Delulu là gì? Delulu có lợi cho công việc hay không?

Nếu bạn là một người yêu thích mạng xã hội, đặc biệt là Tik Tok thì có thể bạn đã nghe qua cụm từ “delulu”. Tuy là một từ lóng của giới trẻ bắt nguồn từ việc “ảo tưởng” nhưng lại có thể giúp ích chúng ta trên con đường sự nghiệp.

Delulu là gì?

Delulu là một từ lóng có nguồn gốc từ “delusional”, có thể được dịch là ảo tưởng.

Delulu có nguồn gốc từ những người hâm mộ trong cộng đồng fan Kpop từ khoảng năm 2014. Thuật ngữ này được dùng rộng rãi trên mạng xã hội để mô tả những hâm mộ có niềm tin, ước mơ hoặc tưởng tượng về những điều không thực tế về thần tượng của mình, những người nổi tiếng hoặc người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội mà họ yêu thích. Năm 2022, thuật ngữ “delulu” trở thành cụm từ xu hướng trên Tik Tok, dùng để làm nổi bật trí tưởng tượng, sự kỳ vọng được phóng đại hay để chỉ những người mơ mộng, nghĩ về tương lai quá xa vời.

Câu nói “delulu is the solulu” là cách nói hài hước của “Delusion is the solution”, có thể được hiểu là “Ảo tưởng chính là cách giải quyết vấn đề của bạn”. Tuy delulu cũng hay được dùng theo cách chế giễu những người lạc quan và ảo tưởng quá mức về vấn đề nào đó, nhưng đối với giới trẻ gen Z lại là một tư duy mới, tương tự như manifestation – Luật hấp dẫn.

Delulu trong công việc liệu có mang lại lợi ích gì hay không?

Delulu là “ảo tưởng” về những điều tốt đẹp hơn và những suy nghĩ tích cực cũng có thể mang lại cho ta nhiều lợi ích. Không chỉ giúp tinh thần cảm thấy tốt hơn, những suy nghĩ tích cực còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe của ta. Vì thế, ở một khía cạnh, delulu góp phần giảm căng thẳng, năng suất làm việc cao hơn và khả năng giải quyết vấn đề cũng dễ dàng hơn.

Ví dụ có thể kể đến như một người dùng trên Tik Tok có biệt danh The Luxury Ink, cô có niềm tin vào delulu và giữ cho mình thái độ tích cực khi làm việc. Nó đã giúp cô thay đổi cuộc sống từ một người vô gia cư thành người sở hữu doanh nghiệp trị giá bảy chữ số.

Bất kỳ ai cũng có thể “delulu”: theo đuổi ước mơ cho đến khi chúng thành hiện thực. Nhiều nghiên cứu cho thấy những suy nghĩ tích cực giúp giảm lo âu, suy nghĩ tiêu cực đến bản thân. Những yếu tố này thường kìm hãm chúng ta, khiến ta không dám bước ra khỏi vòng an toàn. Những lúc này, hành vi delulu sẽ trở nên quan trọng và có ích hơn.

Việc ở trong vùng an toàn quá lâu cũng là mối nguy tiềm ẩn của người lao động, nó là nguyên nhân của sự trì trệ, không phát triển bản thân học hỏi thêm kỹ năng mới, kiến thức mới.

Delulu có mặt tiêu cực nào không?

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đến công việc, delulu cũng có những khía cạnh tiêu cực khác. Vốn sự ảo tưởng không phải lúc nào cũng mang hàm ý tốt, mà nó thường được cho là gắn liền với sự tự phụ, niềm tin sai lầm dẫn đến bản thân dễ mắc lỗi. Khi ta không kiểm soát tốt bản thân về sự tự tin, lạc quan quá mức có thể dẫn đến trường hợp tự mãn trong công việc, hiệu suất và hiệu quả công việc cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.

Một số phương thức tư duy tích cực khác

1.   Eustress – Căng thẳng tích cực

Khái niệm eustress xuất hiện từ những năm 1970, chỉ một loại căng thẳng dẫn đến những phản ứng tích cực. Ngược lại với eustress là distress – cảm xúc hay suy nghĩ khó chịu, có tính tiêu cực.

Eustress thường xảy ra khi ta bắt đầu một công việc mới, thực hiện những thách thức nhỏ hay có những trải nghiệm mới. Tại nơi làm việc, eustress giúp ta có động lực làm việc để hoàn thành công việc hiệu quả hơn, dám thử những điều mới mới mẻ hay nghĩ ra các hướng giải quyết mới. Bên cạnh đó, eustress còn giúp ta tập trung tốt hơn, thúc đẩy ta theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp.

2.   Humor – Tính hài hước

Sự hài hước, tính tình vui vẻ trong môi trường làm việc không chỉ giúp bản thân mà mọi người xung quanh cũng giữ được thái độ tích cực, giảm căng thẳng để vượt qua những khó khăn trong công việc.

3.   Gratitude – Lòng biết ơn

Đây là một tư duy tuyệt vời để áp dụng tại bất kỳ nơi làm việc nào, đặc biệt là những môi trường làm việc căng thẳng. Cảm thấy biết ơn với những gì bản thân đang có hay những gì người khác giúp đỡ mình khi gặp khó khăn sẽ giúp cho tâm trí thoải mái, gắn bó hơn là lòng đố kỵ, cảm giác bất công.

Bằng cách nhìn vào mặt tích cực, ta có thể giúp xây dựng và duy trì tư duy tích cực ở bản thân và mọi người xung quanh, từ đó những căng thẳng, thử thách trong công việc cũng được giải quyết nhanh chóng và tốt nhất.