Điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là gì? Cách trả lời hay nhất

Việc trả lời điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trong phỏng vấn rất cần sự khéo léo để tạo ấn tượng. Không hẳn là chúng ta phơi bày mọi thứ để nhà tuyển dụng biết hết về bạn mà quan trọng sự thành thật phải tạo sức thuyết phục.

Trong quá trình phỏng vấn nhà tuyển dụng không ngừng đặt ra các câu hỏi khiến chúng ta căng thẳng. Đây cũng là lý do vì sao trước khi phỏng vấn nhiều người vẫn hay tìm hiểu các câu mà nhà tuyển dụng sẽ nêu. Trong số đó, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Vậy khi gặp câu hỏi này thì chúng ta nên trả lời như thế nào?

Tìm điểm mạnh, điểm yếu của bản thân ra sao?

Việc tìm điểm mạnh thường tập trung trong các yếu tố như: Giao tiếp, phẩm chất cá nhân, kỹ năng chuyên môn… Trong giao tiếp, bạn có thể nêu các ưu điểm như: Năng động, hăng hái, tôn trọng người khác, thân thiện… Hoặc các ưu điểm về phẩm chất cá nhân như: Sáng tạo, Kỷ luật, trung thực, chăm chỉ, đúng giờ, linh hoạt… Đặc biệt, trong kỹ năng chuyên môn với các ưu điểm như sau sẽ ghi điểm cộng với nhà tuyển dụng: Sử dụng máy tính thành thạo, ngoại ngữ tốt, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề…Các tài lẻ tạo sự hứng thú như: Ca hát, làm MC, chơi đàn…

Tương tự, những điểm yếu thông thường sẽ tập trung các vấn đề như: Chưa nhiều kinh nghiệm chuyên môn, tiếng Anh chưa tốt, tin học chưa thành thạo, không tự tin trước đám đông, giao tiếp kém…

Bạn có thể đặt ra câu hỏi cho mình để tìm điểm mạnh chẳng hạn: Mình giỏi việc gì nhất? Công việc gì khiến bạn hứng thú nhất? Hoặc nhờ những người thân quen đánh giá giúp bởi đôi khi chính chúng ta cũng không nhìn nhận được bản thân mình. Nhưng hơn hết là sự trải nghiệm ở các công việc và môi trường khác nhau sẽ giúp bạn tìm ra điểm mạnh của mình dễ dàng hơn.


Cách trình bày điểm mạnh

Khi trình bày điểm mạnh không đơn thuần là gạch đầu dòng một danh sách và kể cho nhà tuyển dụng nghe. Bởi với họ câu hỏi này nghiêng về việc ứng viên cần chứng minh những thành quả từ những điểm mạnh của mình. Vì thế, những câu chỉ ra điểm mạnh như: Tôi giỏi giao tiếp, tôi có khả năng giải quyết vấn đề, tôi giỏi kỹ năng chuyên môn… đều mang tính đại trà mà bất kỳ ai cũng có thể nêu. Nhưng nếu để tạo ấn tượng thì bạn hãy nêu chi tiết rõ ràng như:

“Tôi am hiểu về lĩnh vực marketing và tôi từng quản lý các chiến dịch quảng cáo(Nêu cụ thể số lượng) đạt doanh thu(Con số cụ thể) cho công ty”. Hoặc bạn có thể nêu một vài kỹ năng có liên quan đến công việc ứng tuyển, chẳng hạn như: SEO, chạy Facebook Ads, chạy Google Ads…

Trong lĩnh vực viết lách, bạn có thể đưa ra dẫn chứng như: “Tôi có thể làm việc dưới áp lực cao bởi tôi đã hoàn thành 10 bài viết một ngày trong thời gian khá ngắn theo quy định và những bài viết này được đánh giá tích cực”. Ngoài ra, “Tôi còn có khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả bởi công việc luôn đặt ra nhiều thách thức và khi đối diện tôi đều có thể vượt qua”.

Nói về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm thì: ”Tôi thích làm việc nhóm và trước đây khi tham gia các dự án, với vai trò là người dẫn dắt tôi luôn hướng dẫn và truyền cảm hứng tích cực cho nhiều người. Nên hầu như mọi dự án thực hiện đều mang hiệu quả cao nhờ vào sự hợp tác tốt đẹp này”.

Cách trình bày điểm yếu

Đối với những điểm yếu của bạn nhà tuyển dụng cũng không “Vạch lá tìm sâu” mà quan trọng với họ là cách khắc phục. Do đó, bạn cũng đừng quá lo lắng mà hãy trung thực trình bày các điểm yếu. Tuy nhiên, sự thật thà cũng cần phải khéo léo, ví dụ như: “Trước kia tôi là người ngại giao tiếp và ít khi phát biểu trước đám đông. Tôi hiểu điều này gây trở ngại trong công việc rất nhiều nên từ từ tôi đã khắc phục bằng cách chủ động nói chuyện nhiều hơn và đóng góp ý kiến trong nhóm”.

“Điểm yếu của tôi có lẽ là tập trung quá nhiều về lĩnh vực chuyên môn mà bỏ qua cơ hội tìm hiểu các khía cạnh liên quan. Nhưng thực tế việc tìm hiểu này sẽ bổ sung và mở rộng cơ hội trong công việc. Vì thế mà tôi quyết định dành một ít thời gian mỗi ngày tìm hiểu về các vấn đề khác ngoài chuyên môn của mình. Và dần dần thói quen này được hình thành, cho đến bây giờ tôi vẫn đều đặn thực hiện”.

Điểm yếu, điểm mạnh của bản thân ứng viên là câu hỏi quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá tiềm năng trong mỗi người. Vì thế, muốn vượt qua vòng phỏng vấn an toàn thì chúng ta phải chuẩn bị trước câu trả lời thật thỏa đáng.